Sunday, July 15, 2012

Vietnamese Entry #5: Khám bệnh ở Tiền Giang (Ngày 8-9).



            Sau ba ngày tại Sài Gòn, nhóm sinh viên chúng tôi đã có cơ hội lấy lại phần nào sức lực và đã sẵn sàng trở lại các vùng sâu, vùng xa. Lên đường từ 5 giờ 30 sáng, đoàn chúng tôi hướng xuống huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Trong hai ngày tới, chúng tôi sẽ tổ chức khám bệnh và phát thuốc miễn phí tương tự như tại Long An cho đồng bào ở hai xã Mỹ Tây Phước và Thanh Hoà.
Đông quá!

Bắt đầu làm việc thôi.


Các cụ bà cao tuổi chờ khám từ sớm

Thomas và một bệnh nhân.

Katrina và một bệnh nhân.
            Điều khác biệt với những lần trước là đây là lần đầu tiên đoàn làm việc chung với Bệnh Viện Đại Học Y Dược. Tuy có nhiều bỡ ngỡ lúc đầu, nhưng đoàn đã có hai ngày làm việc chung thật vui vẻ với các bác sĩ và anh chị em của bệnh viện. Có lẽ vì đã tích luỹ được kinh nghiệm từ hai ngày đầu, hai ngày làm việc tại Tiền Giang diễn ra thật suông sẻ và rất nhiều đồng bào được giúp đỡ và phát thuốc.
Natalie làm việc trong quầy thuốc.
            Ngày đầu tiên tại Tiền Giang tôi chứng kiến được sự nhanh trí và tận tuỵ của nhóm sinh viên mà tôi đã từ từ yêu mến. Họ làm việc không ngừng nghỉ một cách tận tâm và chẳng than thở một lời. Nếu không có họ, buổi khám bệnh sẽ không thành công như dự kiến. Tôi còn nhớ nhóm sinh viên điều khiển (crowd control) đã cứu chúng tôi một bàn thua trông thấy. Vì có quá nhiều bệnh nhân nên bàn đo huyết áp bị tắt nghẽn và chúng tôi buộc phải chậm lại. Tuy nhiên, các bạn điều khiển đã nhanh tay tạo thêm một bàn đo huyết áp và quy tụ thêm ba sinh viên nữa để đo huyết áp. Vấn đề tắt nghẽn liền được giải quyết. Ngoài ra, các bạn còn dàn xếp một hệ thống ghế để cho bà con sau khi đo huyết áp có thể chờ để gặp bác sĩ. Có thể nói, sự trật tự trong suốt buổi khám gần như là hoàn hảo.
Trạm đo điện tim.

Tôi và Cecilia đảm nhận việc tiếp nhận.

Bác sĩ Lành và các bác sĩ của bệnh viện Đại Học Y Dược tận tâm nói chuyện và kê thuốc cho bệnh nhân.

            Vào ngày khám thứ hai tại Tiền Giang, chúng tôi đã hoàn toàn quen thuộc với công việc, nên mọi sự diễn ra thật tuyệt vời. Riêng với tôi, tại bàn tiếp nhận, tôi cũng chẳng gặp vấn đề hoặc khiếu nại gì. Thật tình mà nói, lời than phiền duy nhất mà tôi nhận được ngày hôm đó là từ một cô trung niên. Vì các bà con đã có số thứ tự khi nộp giấy ở bàn tiếp nhận, chúng tôi buộc phải gọi tên theo tứ tự đó. Chúng tôi cũng cùng một lúc cố gắng ưu tiên cho các cô bác cao tuổi ngoài thứ tự. Tuy nhiên, vì số lượng quá nhiều, chúng tôi không thể cùng một lúc cho tất cả mọi người vào được. Cô trung niên đến trước tôi, và hỏi tôi có thể cho các cô bác cao tuổi vào trước, mặc dù ngay cả cô cũng đang ngồi chờ đến lượt mình. Tôi cảm thấy rất cảm động với tình thương của các đồng bào dành cho nhau, khi cô kéo từng cụ bà, có người đi lại rất khó khăn, đến phía trước để chúng tôi có thể đưa vào khám.
            Hai buổi khám tại Tiền Giang kết thúc mỹ mãn. Chúng tôi trở về Sài Gòn mà trong lòng cảm thấy vui làm sao, vì chúng tôi đã góp phần nhỏ để giúp dân làng tại Tiền Giang có một cuộc sống tốt hơn. 
-Tuấn
"Cười lên đi bác!"

No comments:

Post a Comment